Khi nào trẻ cần sử dụng túi hậu môn nhân tạo?
25/06/2021Hậu môn nhân tạo ở trẻ em là một lỗ mở để lấy nước tiểu hoặc phân ra bên ngoài cơ thể. Có một số cách chăm sóc hậu môn nhân tạo ở trẻ. Trong đó, việc sử dụng túi hậu môn nhân tạo là một trong những giải pháp hữu ích trong quá trình chăm sóc trẻ.
Vậy khi nào trẻ cần sử dụng túi hậu môn nhân tạo cũng như cách dùng túi sao cho đúng? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Hậu môn nhân tạo ở trẻ em
Hậu môn nhân tạo (HMNT) là một lỗ mở từ bên trong cơ thể ra bên ngoài, qua ổ bụng. Phần cuối của hậu môn được gọi là lỗ thoát. Việc mở lỗ hậu môn nhân tạo có thể là giải pháp tạm thời, cũng có thể là vĩnh viễn.
Mở hậu môn nhân tạo giúp cơ thể trẻ tống phân hoặc nước tiểu ra ngoài nếu ruột hoặc đường tiết niệu của chúng không hoạt động bình thường. Nó được tạo ra trong khi phẫu thuật.
Lỗ mở hậu môn nhân tạo có thể nhỏ hoặc lớn. Nó thường thay đổi kích thước trong sáu tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật nhưng sẽ giữ nguyên kích thước kể từ đó.
Loại hậu môn nhân tạo có nhiều tên gọi khác nhau. Tùy thuộc vào vị trí của chúng trên cơ thể của con bạn. Một số loại hậu môn nhân tạo phổ biến như: HMNT đại tràng sigma, HMNT kiểu quai, HMNT kiểu nòng súng, …
Vậy, khi nào trẻ cần sử dụng túi hậu môn nhân tạo? Trẻ nhỏ cần sử dụng túi hậu môn nhân tạo sau khi phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo khoảng từ 24h – 36h. Thông thường, các chất thải sẽ được thải ra túi chứa trong vòng 72h.
Hướng dẫn sử dụng túi hậu môn nhân tạo ở trẻ em
Việc lựa chọn và sử dụng túi hậu môn nhân tạo cho trẻ luôn là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh bối rối. Thông thường, các phụ huynh thường nhầm lẫn giữa túi hậu môn nhân tạo 1 mảnh và 2 mảnh. Và hay mua nhầm túi hậu môn nhân tạo cho người lớn thay vì cho trẻ em.
Do đó, thông qua bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ một số cách lựa chọn cũng như sử dụng túi hậu môn nhân tạo cho trẻ đúng cách.
Lựa chọn sử dụng túi hậu môn nhân tạo 1 mảnh hay 2 mảnh?
Việc lựa chọn túi chứa 1 mảnh hay 2 mảnh sẽ phụ thuộc vào vị trí của hậu môn nhân tạo lẫn nhu cầu sử dụng của quý huynh.
Với túi hậu môn nhân tạo 1 mảnh
Thiết kế liền mạch giữa túi chứa và đế dán. Với cấu tạo của túi, thường được các chuyên gia y tế khuyên dùng cho những bé có lỗ hậu môn được mở ở những vị trí đòi hỏi sự co gập bụng nhiều lần hoặc nếp nhăn da, nếp gấp tại bụng khá sâu.
Ưu điểm:
✧ Túi dễ sử dụng trong việc đeo vào và tháo ra.
✧ Với thiết kế liền khối giữa túi và đế, hạn chế được tình trạng miệng túi bị hở dẫn đến đổ, tràn, túi bị bong ra khỏi đế. Thích hợp với các bé năng động, thường xuyên chạy giỡn.
✧ Cấu tạo của túi 1 mảnh thường nhỏ gọn, nên dễ dàng giấu dưới lớp quần áo. Phù hợp với bé đang trong độ tuổi đến trường.
✧ Đế dán túi có khả năng bám dính tốt hơn so với túi 2 mảnh.
✧ Chi phí mua túi 1 mảnh rẻ hơn so với việc mua túi 2 mảnh.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm, túi 1 mảnh vẫn có những hạn chế riêng biệt như:
Khuyết điểm:
Khuyết điểm dễ nhận thấy nhất ở túi 1 mảnh là khi chất thải đầy, túi cần được tháo ra để thay đổi túi mới. Việc làm này, buộc người dùng phải tháo cả đế. Khi thay túi và tháo đế liên tục sẽ dễ dẫn đến tổn thương da, gây kích ứng hoặc lở loét da. Nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang trong giai đoạn da non.
Với túi hậu môn nhân tạo 2 mảnh
Khác với thiết kế liền khối của túi hậu môn nhân tạo 1 mảnh, túi hậu môn nhân tạo 2 mảnh được thiết kế với phần túi chứa và đế dán tách rời.
Khi sử dụng, phần đế dán cần được gắn vào vị trí HMNT trước, sau đó, mới gắn túi chứa vào đế. Có 2 loại túi HMNT 2 mảnh là:
✧ Túi HMNT với đế dính: Phần túi được cố định trên đế bằng keo dính để tạo thành một tổng thể. So với đế có vành thì đế dính rất dẻo và ôm sát vào thân hơn. Bạn có thể dễ dàng thay túi mà không cần thay đế.
✧ Túi HMNT với đế có vành gắn: Túi được nối / ráp với đế bằng vòng nối bằng nhựa. Đáy túi được cố định và dễ sử dụng vì bạn có thể nhìn thấy HMNT ở giữa đế. Bạn có thể dễ dàng thay túi mà không cần thay đế.
Ưu điểm:
✧ Với thiết kế đế và túi chứa rời nhau, giúp quý phụ huynh khi thay túi HMNT cho trẻ. Phụ huynh chỉ cần tháo túi, không cần phải tháo đế. Nhờ đó, hạn chế được tình trạng gây tổn thương, lở loét, bong tróc trên da của bé.
✧ Phần đế túi có thể dùng được từ 2 – 4 ngày mới thay 1 lần. Trong khi túi chứa, người dùng có thể tùy ý tháo ra gắn vào bất cứ lúc nào. Tạo được sự thuận tiện cho phụ huynh, lẫn an toàn cho da bé. Nhất là với các bé thường xuyên đi ngoài.
Khuyết điểm:
✧ Giá thành là khuyết điểm rõ ràng nhất mà ta thấy được ở túi 2 mảnh. Vì thiết kế tiện lợi, bộ túi 2 mảnh luôn có giá cao hơn so với túi 1 mảnh.
✧ Túi 2 mảnh được thiết kế tiện lợi nhưng cũng tạo nên sự phức tạp và cồng kềnh khi mang nó. Đặc biệt, dễ dàng nhận thấy rõ dưới lớp quần áo bó sát. Đối với các bé đã đến trường, đây sẽ là vấn đề mà phụ huynh cần cân nhắc khi sử dụng cho trẻ.
✧ Vì túi có thể tháo rời tiện dụng nên cũng có nguy cơ lỏng lẻo, tạo lỗ rò rỉ khi trẻ vận động mạnh.
✧ Khi đế được dùng lâu ngày tại 1 vị trí, dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng da cao nếu chất thải bị rỉ vào đế mà phụ huynh không phát hiện kịp thời. Thông thường, để nhận biết chất thải của trẻ có dính vào lớp dưới của đế hay không thì đế phải được tháo ra để kiểm tra.
Cách sử dụng túi hậu môn nhân tạo
Bạn đọc có thể xem chi tiết về việc sử dụng túi hậu môn nhân tạo 1 mảnh và 2 mảnh tại bài viết này của chúng tôi: túi hậu môn nhân tạo.
Một số câu hỏi thường gặp khi sử dụng túi hậu môn nhân tạo
Khi thay túi hậu môn nhân tạo, tôi chạm vào HMNT của bé có làm bé đau không?
Không có đầu dây thần kinh nào trong lỗ HMNT. Điều này có nghĩa là con bạn sẽ không cảm thấy đau khi chạm vào lỗ HMNT hoặc khi phân ra khỏi nó.
Đôi khi, hơi có thể chảy máu trong quá trình vệ sinh hoặc nếu chúng bị va đập. Điều này là bình thường. Đôi khi chúng cũng có thể chảy máu khi bị kích thích. Bạn có thể cầm máu bằng cách dùng vải mềm ấn nhẹ lên lỗ thoát máu.
Tôi có thể tắm cho con mà không sử dụng túi hậu môn nhân tạo được không?
Tắm cho em bé sẽ không gây hại cho lỗ mở HMNT. Tuy nhiên, nhiều quý phụ huynh vẫn duy trì việc mang túi cho trẻ khi tắm (trong bồn tắm hoặc trong chậu tắm). Việc làm này giúp ngăn tình trạng chất thải của trẻ tràn ra hòa vào nước tắm. Sau khi tắm xong, mới thay túi cho trẻ.
LƯU Ý: Quý phụ huynh nên sử dụng xà phòng nhẹ, không chứa dầu để không ảnh hưởng đến độ dính của túi. Làm sạch vùng da xung quanh hậu môn tạm thời của bé. Sau đó, lau khô hoàn toàn trước khi sử dụng bao mới.
Trẻ có thể nằm sấp khi đang sử dụng túi hậu môn nhân tạo không?
Nếu đây là kiểu nằm yêu thích của trẻ và bác sĩ của trẻ cho phép thì điều đó không sao cả. Thông thường, việc nằm sấp khi trẻ lăn, bò hay ngủ sẽ không gây hại cho HMNT.
LƯU Ý: Nhớ dọn sạch túi chứa trước khi bé ngủ trưa hoặc đi ngủ vào buổi tối.